Chiều ngày 12/11/2018, tại Trường ĐHBK Hà Nội, Hội thảo “chiến lược quản lý khởi nghiệp” đã được tổ chức trong khuôn khổ hợp tác về đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển sản phẩm mới trong lĩnh vực khoa học sự sống (sinh học, thực phẩm) giữa Trường ĐHBK Hà Nội, Học viện Khoa học Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Bộ Khoa học và Công nghệ) () với Công ty Dongloi GmbH () và Công ty tư vấn Ensymm () - CHLB Đức.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS Đinh Văn Phong – Phó Hiệu trưởng Trường ĐHBK Hà Nội nhấn mạnh: “Start up và chiến lược quản lý doanh nghiệp là một trong những vấn đề được các nhà nghiên cứu, cán bộ, giảng viên Bách khoa đặc biệt quan tâm. Việc học cách quản lý một cách thông minh và thực tế là giải pháp giải quyết vấn đề và quản lý dự án cho các nghiên cứu, giảng viên”.
GS Đinh Văn Phong phát biểu khai mạc Hội thảo
Trong khuôn khổ Hội thảo, TS Hoàng Xuân Long - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN, Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo đã giới thiệu những nội dung chính của đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực khoa học và công nghệ ở trong nước và ngoài nước” (Đề án 2395). TS Hoàng Xuân Long nhấn mạnh các nội dung liên quan đến phát triển đội ngũ nhân lực KH&CN của Việt Nam thông qua Đề án 2395, trong đó tập trung vào mục tiêu nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho các cá nhân hoạt động KH&CN, nhóm nghiên cứu, cán bộ quản lý KH&CN ở các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức KH&CN và doanh nghiệp. Ngoài ra, đại diện Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo cũng đã cung cấp các thông tin chung về Dự án; cách thức đào tạo, bồi dưỡng; điều kiện tham gia; quy trình tuyển chọn; các kinh phí Đề án sẽ hỗ trợ và một số lưu ý trong quá trình chuẩn bị hồ sơ tham gia Đề án 2395 và cùng trao đổi các vấn đề có liên quan đến tham gia và tuyển chọn theo Đề án 2395.
TS Hoàng Xuân Long chia sẻ nội dung Đề án 2395
Là một đơn vị hàng đầu trong đào tạo nguồn nhân lực KH&CN, Trường ĐHBK Hà Nội với rất nhiều các nhóm nghiên cứu liên ngành mạnh, hy vọng sẽ tiếp cận và tận dụng được nhiều cơ hội từ Đề án 2395 để nâng cao trình độ chuyên môn của các cá nhân và nhóm nghiên cứu; đồng thời đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế thông qua triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu ở các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp ở nước ngoài.
Tại Hội thảo, hơn 30 nhà khoa học, cán bộ, giảng viên của Trường ĐHBK Hà Nội đã được nghe TS Pedram Dehdari thuyết trình với nội dung “Chiến lược quản lý khởi nghiệp”. Thông qua bài trình bày, giảng viên, nhà nghiên cứu có cơ hội tìm hiểu và nắm được các lý thuyết thực tế về chiến lược quản lý, điều hành trong ngành khoa học đời sống và chia sẻ các trường hợp quản lý khởi nghiệp để thảo luận kỹ/ phân tích và đưa ra các cách thức giải quyết, kết luận cho các trường hợp thực tế.
TS Pedram Dehdari chia sẻ những thông tin hữu ích về khởi nghiệp
Bên cạnh đó, TS Pedram Dehdari còn chia sẻ những thông tin hữu ích về khởi nghiệp, các giải pháp quản lý dự án thực tế đang thách thức và sẽ có ý tưởng rõ ràng hơn về các loại hình quản lý/tư vấn, kết hợp quản lý kinh doanh và khoa học để xử lý vấn đề quản lý trong một công ty.Việc kết nối giữa khoa học và quản lý sẽ chỉ ra các khoảng cách, giải pháp nhằm thu hẹp và hiều rõ hơn cả khoa học và quản lý để không bị tách biệt, “đẩy xa” theo một cách quản lý riêng biệt; việc kết nối này sẽ giúp cho người nghe có một cái nhìn tổng quan trong quản lý nội bộ và bên ngoài của một đơn vị.
Đây là mô hình mới trong hợp tác đào tạo và nghiên cứu phát triển sản phẩm, trong đó có sự tham gia của các doanh nghiệp, đơn vị tư vấn trong và ngoài nước kết hợp với các trường đại học, viện nghiên cứu trong nước và cơ quan quản lý nhà nước để có giải pháp tổng thể giải quyết những vấn đề của thực tiến trong lĩnh vực sinh học, thực phẩm, khoa học sự sống và cần được nhân rộng.
Vũ Thơm
Ảnh: Văn Nam
Tác giả: Trần Ngọc Nam
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn