Được sự đồng ý của Bộ Khoa học Công nghệ và Ngân hàng Thế giới (WB), ngày 22/9/2016, Ban quản lý Dự án Đẩy mạnh Đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu, khoa học và Công nghệ - FIRST cùng ba đơn vị là Trường ĐHBK Hà Nội, Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TPHCM) đã ký thỏa thuận tài trợ chuyên gia giỏi nước ngoài. Trong đó, Trường ĐHBK Hà Nội là một trong ba đơn vị thụ hưởng được Dự án tài trợ 100% kinh phí với thời gian thực hiện là 24 tháng.
Dự án “Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu, khoa học và công nghệ - FIRST” là dự án đầu tiên về Khoa học và Công nghệ do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ. Mục tiêu của dự án là góp phần hỗ trợ nâng cao năng suất, khả năng cạnh tranh và chất lượng tăng trưởng kinh tế Việt Nam thông qua việc tăng cường hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động sáng tạo, đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp để tạo thêm giá trị gia tăng. Một trong những khoản tài trợ thuộc hợp phần 1.a của Dự án là tài trợ cho các chuyên gia giỏi nước ngoài về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Ông Trần Quốc Thắng - Giám đốc Ban quản lý Dự án FIRST
Mục đích của khoản tài trợ này nhằm khuyến khích các nhà khoa học giỏi nước ngoài bao gồm các chuyên gia là người Việt Nam ở nước ngoài về Việt Nam hỗ trợ và hợp tác với các tổ chức khoa học, nhà nghiên cứu và doanh nghiệp ở trong nước để triển khai thực hiện các dự án hợp tác nghiên cứu và phát triển (R&D), đào tạo chuyển giao tri thức thông qua đó nâng cao năng lực nghiên cứu, sáng tạo, phát triển doanh nghiệp cho các tổ chức khoa học, doanh nghiệp trong nước.
Nội dung của Trường ĐHBK Hà Nội đề xuất là “phát triển quy trình công nghệ chế tạo transistor có độ linh động điện tử cao, ứng dụng cho các thiết bị điện tử công suất và tần số cao (HEMT)”. Đây được coi là ý tưởng có ý nghĩa “đột phá” đối với nền khoa học công nghệ của Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp điện tử.
PGS Hoàng Minh Sơn và ông Trần Quốc Thắng ký kết thỏa thuận
Theo đó, Dự án mời các chuyên gia (trong đó có người Việt) đang làm việc tại các phòng thí nghiệm hàng đầu thế giới về lĩnh vực chế tạo linh kiện GaN/AlGaN HEMT, tới Việt Nam giảng dạy, cụ thể là Trường ĐHBK Hà Nội hướng dẫn kỹ thuật và chuyển giao công nghệ. Thông qua các khóa đào tạo bởi các chuyên gia hàng đầu thế giới về lĩnh vực này, các nhà khoa học trẻ được tiếp cận với các cơ sở nghiên cứu tiên tiến, cùng với sự hợp tác NCKH, tiếp nhận công nghệ mới sẽ là một “lực đẩy” mạnh làm nền tảng cho sự phát triển đội ngũ các nhà nghiên cứu và phát triển công nghệ sản xuất linh kiện điện tử ứng dụng cho các lĩnh vực trong cuộc sống và an ninh quốc phòng tại Việt Nam.
Theo kế hoạch, khi Dự án hoàn thành, sản phẩm quan trọng của Dự án là các transistors HEMT có tần số làm việc tới 10GHz, đây là tần số làm việc của các thiết bị liên lạc vệ tinh. Trường ĐHBK Hà Nội có thể chuyển giao công nghệ lõi này cho Tập đoàn Viễn thông Quân đội (VIETTEL) để sản xuất linh kiện ở quy mô công nghiệp. Bước tiếp theo, nhóm nghiên cứu là sẽ phát triển các công nghệ mới, dựa trên công nghệ lõi này, để có thể chế tạo linh kiện có tần số hoạt động cao hơn (hiện tại, các nhà khoa học Nhật bản đã chế tạo được linh kiện HEMT làm việc ở tần số 400 GHz) và thiết kế các vi mạch ứng dụng cho lĩnh vực radar.
Tác giả: Nguyễn Diệu Ngọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn