Trường ĐHBK Hà Nội có nhiều lựa chọn dành cho sinh viên về ngành học và hướng phát triển nghề nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT). Các chương trình đào tạo (CTĐT) của Trường về công nghệ thông tin đã được đổi mới theo hướng tích hợp, linh hoạt và hội nhập quốc tế, hỗ trợ tốt nhất cho người học phát triển sự nghiệp của mình. Đặc điểm chung là các CTĐT được xây dựng theo chuẩn quốc tế, cung cấp cho người học các kiến thức nền tảng và cốt lõi của ngành học, chú trọng hoạt động nghiên cứu sáng tạo, kỹ năng ứng xử tích cực đối với xã hội và môi trường nghề nghiệp, khả năng thích ứng trong môi trường lao động quốc tế.
Sinh viên Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông trong một giờ học
Đối với ngành học Công nghệ thông tin (mã xét tuyển IT3), CTĐT được thiết kế với thời gian đào tạo 4 năm, cấp bằng Cử nhân công nghệ thông tin. Chương trình này được xây dựng với kiến thức nền tảng cơ bản vững chắc, kiến thức cơ sở chuyên môn ngành rộng, chú trọng đến năng lực và kỹ năng thực hành nghề nghiệp, ứng dụng các giải pháp phần mềm và quản trị các hệ thống công nghệ thông tin. Với thời gian đào tạo ngắn hơn so với các chương trình khác, chương trình này rất phù hợp cho người học có nhu cầu sớm có việc làm ngay tại các doanh nghiệp hoặc các tổ chức kinh tế. Bên cạnh đó, các Cử nhân công nghệ thông tin có thể tiếp tục học tiếp lên trình độ thạc sĩ.
Các chương trình đào tạo ngành Khoa học máy tính (mã xét tuyển IT1) và Kỹ thuật máy tính (mã xét tuyển IT2) được thiết kế và tổ chức giảng dạy theo chương trình tích hợp Cử nhân - Kỹ sư (thời gian thiết kế 5 năm, cấp bằng Kỹ sư) hoặc Cử nhân-Thạc sĩ (thời gian thiết kế 5,5 năm, cấp bằng Cử nhân và Thạc sĩ) tùy theo nguyện vọng của người học. Mục tiêu của các chương trình này nhằm đào tạo chuyên gia nghiên cứu phát triển có năng lực thiết kế, nghiên cứu phát triển hệ thống/sản phẩm công nghệ thông tin.
Chương trình Khoa học máy tính (IT1) cung cấp các kiến thức trong một số lĩnh vực hẹp, chuyên sâu mà người học có thể lựa chọn theo học như sau:
- Công nghệ phần mềm đào tạo chuyên gia phát triển phần mềm, xây dựng giải pháp và dịch vụ CNTT, kiến trúc sư/quản trị dự án, giám đốc kỹ thuật CNTT, sáng lập viên/quản lý doanh nghiệp CNTT tại các công ty trong và ngoài nước.
- Hệ thống thông tin đào tạo kỹ sư tư vấn, thiết kế, xây dựng, đánh giá và quản trị cơ sở dữ liệu, các hệ thống thông tin; kỹ sư thiết kế, xây dựng và đánh giá các giải pháp (tích hợp) cho các doanh nghiệp và tổ chức.
- Khoa học dữ liệu đào tạo chuyên gia phân tích dữ liệu, kiến trúc sư dữ liệu trong các công ty phân tích, xử lý, cung cấp dịch vụ trên dữ liệu.
- Trí tuệ nhân tạo đào tạo các kỹ sư nghiên cứu phát triển tại các công ty/tập đoàn công nghệ, cung cấp các giải pháp về trí tuệ nhân tạo cho nhiều ứng dụng thực tế như điều khiển thiết bị, xe tự lái, giám sát giao thông, tối ưu hoá sản xuất, phân phối hàng hoá vv.
Bên cạnh đó, người học theo chương trình Kỹ thuật máy tính (IT2) có thể lựa chọn các hướng chuyên môn hẹp để theo học như sau:
- An toàn thông tin đào tạo chuyên gia thiết kế và xây dựng các giải pháp an toàn thông tin cho hệ thống thông tin và truyền thông; thiết kế và phát triển các hệ thống phần mềm, dịch vụ an toàn; đánh giá, quản trị an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin và truyền thông; phát triển các giải pháp phòng chống, phát hiện mã độc.
- Máy tính và Hệ thống nhúng đào tạo các lập trình viên thiết kế, phát triển phần mềm trên máy tính và hệ thống nhúng; kỹ sư thiết kế phần mềm/phần cứng cho các máy tính chuyên dụng, phát triển và triển khai các hệ thống Internet vạn vật (IoT).
- Truyền thông dữ liệu và Mạng máy tính đào tạo chuyên gia thiết kế, xây dựng hạ tầng CNTT và truyền thông; lập trình ứng dụng, dịch vụ cho các hệ thống thông minh và di động; quản trị mạng và hệ thống CNTT và truyền thông; thiết kế, phát triển, xây dựng và triển khai các hệ thống IoT.
Ngoài 3 chương trình kể trên, Nhà trường đang tổ chức tuyển sinh và đào tạo 2 chương trình theo chuẩn quốc tế là CNTT Việt Nhật (mã xét tuyển IT-E6) và CNTT Global ICT (mã xét tuyển IT-E7).
- Chương trình CNTT Việt Nhật được thiết kế thời gian 5 năm, cấp bằng Kỹ sư CNTT với mục tiêu cung cấp nhân lực CNTT trình độ cao cho thị trường định hướng Nhật Bản. Các kỹ sư tốt nghiệp chương trình này thường lựa chọn làm việc tại Nhật Bản làm việc hoặc trong các công ty Nhật Bản đặt tại Việt Nam. Để đáp ứng được thị trường này, bên cạnh kiến thức chuyên môn tốt, sinh viên được tăng cường năng lực tiếng Nhật và hiểu biết về văn hóa Nhật Bản thông qua các môn học tiếng Nhật cơ bản, tiếng Nhật chuyên ngành, tiếng Nhật thương mại.
- Chương trình CNTT Global ICT được thiết kế thời gian 5 năm, cấp bằng Kỹ sư CNTT, tổ chức giảng dạy bằng tiếng Anh. Trong đó sinh viên được học tăng cường tiếng Anh trong năm đầu tiên và học hoàn toàn bằng tiếng Anh trong 4 năm sau. Các kỹ sư tốt nghiệp chương trình này thường lựa chọn làm việc tại các công ty, doanh nghiệp tại châu Âu hoặc Hoa Kỳ. Một số không nhỏ sinh viên tốt nghiệp chương trình này đã nhận được học bổng toàn phần hoặc bán phần để tiếp tục học lên trình độ cao hơn (thạc sĩ, tiến sĩ) tại châu Âu hoặc Hoa Kỳ. Đặc biệt, chương trình Global ICT đã được một trường thuộc top 100 thế giới là Trường ĐH Uppsala (Thụy Điển) công nhận tín chỉ tương đương, cho phép sinh viên kết thúc 3 năm học có thể làm thủ tục đăng ký xét tuyển sang học tiếp đại học ngành Khoa học máy tính tại Trường ĐH Uppsala.
Một số chương trình liên kết đào tạo quốc tế trong lĩnh vực công nghệ thông tin với sự hợp tác của các đối tác nước ngoài hiện đang tổ chức tuyển sinh và đào tạo gồm có: chương trình Công nghệ thông tin hợp tác với Đại học La Trobe (Australia), chương trình Công nghệ thông tin hợp tác với Đại học Victoria (New Zealand), chương trình Hệ thống thông tin hợp tác với Đại học Grenoble (France), chương trình Khoa học máy tính hợp tác với Đại học Troy (Hoa Kỳ). Thông tin chi tiết về các chương trình đào tạo này được công bố chi tiết trên website: //sie.lookbr.com/ts.